Tiểu sử Thục Huệ phi

Thục Huệ phi xuất thân từ bộ tộc Khoa Nhĩ Thấm của Mông Cổ. Tằng tổ phụ là Trung Thân vương Trại Tang (寨桑), thân sinh của Trác Lễ Khác Đồ Thân vương Ngô Khắc Thiện (吴克善), Đạt Nhĩ Hán Ba Đồ Lỗ Thân vương Mãn Châu Tập Lễ (滿珠習禮) và Hiếu Trang Hoàng thái hậu. Tổ phụ là Tra Hãn (查罕), con thứ của Trại Tang, sinh ra Xước Nhĩ Tế (綽爾濟), đấy là thân sinh của Thục Huệ phi. Bà cùng Hiếu Huệ Chương Hoàng hậu là quan hệ chị em cùng cha (không rõ có cùng mẹ hay không), và gọi Phế hậu Tĩnh phi bằng cô, vì Tĩnh phi do Ngô Khắc Thiện sinh ra.

Năm Thuận Trị thứ 11 (1654), tháng 5, bà cùng Hiếu Huệ Chương Hoàng hậu tiến cung. Hiếu Huệ Chương Hoàng hậu kế vị Trung cung, còn bà được sắc phong làm Phi, nhưng không rõ phong hiệu (Thứ phi). Năm Khang Hi thứ 12 (1673), ngày 4 tháng 12 (âm lịch), Khang Hi Đế tôn cả 4 vị Di phi của Thuận Trị Đế, bà được tôn phong hiệu Hoàng khảo Thục Huệ phi (皇考淑惠妃). Điển lễ tương đồng lúc tôn phong Thọ Khang Thái phi[1].

Căn cứ Thanh Nội vụ phủ kinh thành toàn đồ (清内务府京城全图) dưới triều Càn Long, phía Bắc của Thọ Khang cung có một tòa Hàm An cung (咸安宫) - bố trí 3 thiền viện tương tự Thọ Khang cung dùng để cho các phi tần triều Thuận Trị vào ở. Khi Nhân Hiến Hoàng thái hậu còn ở đây (bản đồ vào năm Khang Hi thứ 21, khi này Khang Hi Đế chưa sửa Ninh Thọ cung dâng cho Thái hậu), thì các vị Thục Huệ phi cùng Cung Tĩnh phi, Đoan Thuận phi, Ninh Khác phi và chư vị di phi phúc tấn khác của Thuận Trị Đế đều ở tại ba tòa tiểu viện ở phía Bắc trong khuôn viên cung điện.

Năm Khang Hi thứ 53 (1713), ngày 30 tháng 10 (âm lịch), Thục Huệ phi qua đời, thọ hơn 70 tuổi[2]. Bà được an táng vào lăng mộ riêng của Hiếu Huệ Chương Hoàng hậu, tức là Hiếu Đông lăng (孝東陵) thuộc Thanh Đông lăng, cùng với 6 vị Phi, 17 vị Cách cách cùng 4 vị Phúc tấn khác, đều là những tiểu phi tần của Thuận Trị Đế. Theo bản vẽ vị trí Hiếu Đông lăng, thì vị trí mộ của bà xếp sau Khác phi, Trinh phi, Điệu phi, to lớn nhất là chủ nhân ngôi mộ - Hiếu Huệ Chương Hoàng hậu, cũng là chị của bà.